Hướng dẫn cách nuôi thỏ cảnh mini chi tiết A - Z cho người mới
Nuôi thỏ kiểng mini làm thú cưng đang trở thành xu hướng được nhiều người Việt yêu thích. Tuy nhiên việc chăm sóc thỏ kiểng khỏe mạnh cần kì công hơn nuôi một chú chó hay chú mèo và không hề dễ dàng. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách nuôi thỏ cảnh và một số điều cần lưu ý.
Phân biệt các loại thỏ cảnh

Thông thường thỏ có 2 loại là thỏ rừng và thỏ nhà. Thỏ rừng là loại có lông màu sẫm, ít màu sắc sặc sỡ và thường nhút nhát vì không được thuần hóa bởi con người.
Vì vậy khi nuôi thỏ làm thú cưng, bạn nên chọn giống thỏ nhà. Với đặc tính lanh lợi, thông minh và gần gũi, nó sẽ dễ dàng thích nghi được với điều kiện nuôi trong nhà.
Trên thị trường hiện nay có đa dạng các loại thỏ cảnh như: thỏ Mỹ, thỏ minilop, thỏ cảnh Rex, thỏ kiểng mini Rex, thỏ lùn Hà Lan, thỏ Ba lan, thỏ Havana,...
Hướng dẫn cách nuôi thỏ cảnh
1. Chuẩn bị lồng cho thỏ cảnh

Để nuôi thỏ trong nhà thì việc chuẩn bị chỗ ở cho nó là điều bắt buộc. Một số lưu ý khi chọn lồng cho thỏ cảnh, bao gồm:
- Nên chọn lồng sắt, thay vì lồng gỗ, bởi lồng sắt khô thoáng, sạch sẽ, dễ vệ sinh.
- Lồng nuôi thỏ bạn nên thiết kế có mái che thoát nước dễ dàng.
- Hãy đảm bảo rằng lồng đủ rộng rãi để thỏ có thể sinh hoạt thoải mái.
- Đặt lồng ở vị trí khuất gió, mưa, hay nắng chiếu trực tiếp vào và tránh xa các các khu vực nguy hiểm như ổ điện, máy móc.
- Không để lồng gần máy sưởi hay gần chỗ các con vật khác có thể làm hại thỏ kiểng như mè, chó, rắn…
- Đáy chuồng được thiết kế thành 2 lớp: một lớp đế gỗ/nhựa/inox ở dưới có khay đựng khi bé đi vệ sinh và một lớp lót gỗ nén ở trên làm lót chân cho bé giẫm lên để tránh làm tổn thương chân thỏ.
2. Chuẩn bị các vật dụng chăm sóc thỏ cảnh
Những vật dụng cần thiết trong quá trình chăm sóc thỏ cảnh bao gồm:
- Chén/bát/máng thức ăn: Thức ăn cần được để vào máng ăn/ bát ăn để đảm bảo vệ sinh cho thỏ.
- Bình nước: Thỏ cần được uống nước từ bình thay vì từ bát như chó, mèo. Bởi việc uống nước từ bát dễ khiến thỏ bị sặc.
- Hộp vệ sinh: Chuẩn bị hộp vệ sinh để thỏ có thể đi vệ sinh vào đó.
- Vải giữ ấm: Thỏ chịu lạnh không tốt nên cần vải giữ ấm vào mùa lạnh.
- Sữa tắm khô: Thỏ không phải là động vật ưa tiếp xúc với nước. Bởi vậy để tránh thỏ bị cảm do dính nước, hãy sử dụng sữa tắm khô để tắm cho nó.
- Gỗ mài răng: Thỏ là loại động vật gặm nhấm, nên việc mài răng vừa có lợi cho sức khỏe thể chất lại có lợi cho sức khỏe tinh thần của loài thỏ.
3. Thức ăn cho thỏ cảnh

Bạn cần biết cách chọn thức ăn để giúp thỏ tránh được các bệnh về tiêu hoá, răng miệng và phát triển toàn diện. Thỏ cần hấp thụ một số lượng lớn các thức ăn như cỏ khô, nhiều chất đạm và ít đường. Khác với thuchó hay mèo, thỏ không thể ăn cơm hay các loại thức ăn của con người. Thức ăn của thỏ bao gồm thức ăn khô và thức ăn tươi.
Thức ăn khô gồm có: Rơm, cỏ nén, cỏ khô, Bột ngũ cốc…Thức ăn tươi gồm có: rau-củ-quả gồm cà rốt, khoai lang, ngô tươi, xà lách, rau lang, cỏ tươi, bí ngô, lá sắn…
Một số lưu ý khi cho thỏ ăn như sau:
- Đồ ăn của thỏ cảnh luôn phải để khô ráo, tránh gây hại cho đường tiêu hóa
- Cỏ khô bạn cần cho bé ăn hàng ngày cùng nước uống
- Không cho ăn thức ăn bị ủng hỏng, nấm mốc hay củ quả mọc mầm
- Không nên cho thỏ ăn củ quả nhiều tinh bột như khoai tây
- Cho thỏ tập ăn dần dần ít rau một sau đó mới tăng dần cho thêm các loại rau khác đến khi thỏ thích nghi tốt hơn
- Đối với các loại rau, cần được cắt ngắn từ 20 – 30cm để thỏ dễ ăn
- Đối với các loại củ, nên sắt nhỏ với độ dày khoảng từ 5 – 8mm
- Đối với các loại hạt thì nên xay nhuyễn hoặc để nguyên hạt, những loại hạt cứng như đậu, ngô,... thì nên ngâm nước cho mềm
4. Chăm sóc thỏ cảnh theo giai đoạn
Chăm sóc thỏ cảnh lúc nhỏ

Khi mới về nhà, hãy tạo cho thỏ một không gian thoải mái nhất để thỏ dễ dàng thích nghi. Nhiệt độ thích hợp cho thỏ con là từ 15 – 27 độ C. Bởi vậy nên đặt chuồng nuôi ở nơi đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Với thỏ cảnh mới sinh, khoảng 14-15 giờ sau khi sinh hãy cho chúng bú mẹ để được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thỏ cần bú mẹ hoàn toàn trong 18 ngày đầu đời, sau đó có thể ăn kèm thức ăn bên cạnh việc ăn sữa mẹ. Từ ngày thứ 27 trở đi, thỏ con có thể được cai sữa.
Chăm sóc thỏ cảnh lúc lớn
Khi thỏ cảnh lớn, bạn chỉ cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn của thỏ cảnh. Hãy quan tâm chơi đùa với bé mỗi ngày và chuẩn bị không gian đủ lớn cho bé vận động hàn ngày vào 1 giờ cố định.
Một điều cần lưu ý là bạn nên kiểm tra răng, miệng, tai, mắt thỏ hàng tuần và kiểm tra hai bàn chân sau để đảm bảo thỏ không bị nổi các cục u ở dưới chân.
Một số lưu ý khi nuôi thỏ kiểng mini
1. Thỏ cảnh không thích hợp với trẻ em

Thỏ cảnh có vẻ ngoài dễ thương nên được trẻ con yêu thích. Tuy nhiên nên để thỏ tránh xa trẻ em vì việc bế thỏ hay cưng nựng sai cách có thể gây nguy hiểm cho thỏ.
2. Cách bế thỏ cảnh đúng cách
Không nên bế thỏ từ dưới bụng, ngang bụng hoặc ôm quá chặt, vì có thể làm bé vỡ túi mật mỏng manh dẫn đến tử vong. Nên xách thỏ bằng 2 tai và đặt bé xuống chỗ cần thiết. Chú ý không nên xách tai thỏ quá lâu vì có thể làm chúng vùng vẫy, ảnh hưởng đến xương sống.
3. Nuôi thỏ cần sự cam kết lâu dài
Tuổi thọ trung bình của thỏ cảnh là 8-12 năm. Vậy nên, khi nuôi bạn cần chắc chắn rằng mình có thể chăm sóc tốt cho thú cưng của mình trong suốt thời gian đó
4. Thỏ cần được thể dục và chạy nhảy
Do những đặc tính giống loài, thỏ rất thích được chạy nhảy. Loại vật này cần ít nhất 4 giờ đồng hồ để tập thể dục. Điều này giúp ích cho sức khỏe và cả tinh thần của nó.
Bởi vậy bạn không nên nhốt chúng trong lồng trong thời gian dài.
5. Thỏ cảnh không cần tắm

Thỏ là loại vật không ưa nước và chúng cũng rất dễ bị cảm lạnh nếu tiếp xúc với nước. Vì thế thỏ cảnh không cần tắm thường xuyên. Bạn chỉ cần vệ sinh cho thỏ vài lần 1 tháng bằng sữa tắm khô là được. Điều này vừa giúp chú thỏ cảnh của bạn trông luôn sạch sẽ, vừa đảm bảo sức khỏe cho thỏ.
6. Nuôi thỏ cảnh rất tốn kém
Không giống như chó, mèo, bạn khó có thể tìm được một chỗ thú y chuyên về thỏ. Vì vậy nếu chú thỏ cảnh của bạn bị bệnh thì có thể việc tìm nơi chữa bệnh không nhanh chóng.
Chưa kể cách nuôi thỏ cảnh và chăm sóc chúng cũng khá tốn kém. Chúng cần được thăm khám bác sĩ thú y thường xuyên để kiểm tra răng miệng, kiểm tra ký sinh trùng và tiêm chủng. Ngoài ra chúng cần được tiêm phòng hàng năm để chống lại bệnh myxomatosis và bệnh xuất huyết do virus loại 1 & 2. Cả hai bệnh này đều dễ lây truyền và gây tử vong cho thỏ, đặc biệt là đối với con nuôi ngoài trời.
7. Thỏ cảnh cần được triệt sản
Thỏ có khả năng sinh sản mạnh, bởi thế đưa thỏ cảnh đi triệt sản/thiến để đảm bảo có thể chăm sóc tốt cho chúng. Nếu đến tuổi mà không được thiến/triệt sản trước đó thì thỏ cảnh dễ xuất hiện những biểu hiện như: phun nước tiểu, hung hăng, phá hoại… Ngoài ra, nếu không được triệt sản/thiến, thỏ cũng dễ mắc các vấn đề như u ung thư tinh hoàn, ung thư tử cung…
Nuôi thỏ cảnh có dễ không?
Như đã phân tích ở trên thì nuôi thỏ cảnh hoàn toàn không dễ dàng. Chúng đòi hỏi sự quan tâm lớn từ người nuôi và tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên bạn có thể chọn lựa thỏ cảnh ngay từ đầu để quá trình chăm sóc sau này được dễ dàng hơn. Cách chọn thỏ cảnh khỏe mạnh như sau:
- Nên chọn bé thỏ từ 2 tháng tuổi trở lên. Đây là thời điểm bé hoàn toàn cai sữa, khó mắc các bệnh truyền nhiễm và có thể sống tự lập.
- Chọn thỏ có mắt sáng, tinh nhanh, mũi sạch, đi lại bình thường, chân và tai không bị khuyết gì.
- Chọn thỏ có ngoại hình sạch sẽ, đặc biệt phần tai, bụng và mông của thỏ không có vết bẩn. Không chọn thỏ có mùi lạ trên người.
- Chọn những chú thỏ linh hoạt, năng động, di chuyển nhanh với dáng đi chắc chắc, không xiêu vẹo và phản xạ nhanh với âm thanh, ánh sáng.
Giá thỏ cảnh bao nhiêu?
Giá thỏ cảnh phụ thuộc vào nguồn gốc, xuất xứ, màu sắc lông, màu mắt, giới tính, gia phả bố mẹ, độ thuần chủng,……Thông thường giá thỏ cảnh như sau:
- Giá thỏ cảnh Minilop (mini lop) sẽ khoảng 1.000.000 – 9.000.000 VNĐ
- Thỏ lùn Hà Lan (Netherland Dwarf) sẽ có giá giao động tầm 1.000.000 – 2.500.000 VNĐ
- Thỏ Sư Tử (Lionhead) có giá tầm 1.000.000 – 2.800.000 VNĐ
- Giá thỏ tai cụp Hà Lan (Holland Hop) sẽ từ 700.000 – 2.000.000 VNĐ
- Giá thỏ Việt mini sẽ khoảng từ 95.000 – 150.000 VNĐ
Địa chỉ bán thỏ cảnh uy tín
Bạn có thể mua thỏ tại các cửa hàng thú cưng trên cả nước, hoặc có thể tìm mua thỏ cảnh tại các chợ online, mạng xã hội,...Tuy nhiên dù mua ở đâu thì bạn cũng cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng sức khỏe, tính tình,...của chú thỏ bạn định mua.
Trên đây là những thông tin về cách nuôi thỏ cảnh. Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn!